Phường Cầu Ông Lãnh là một phường đa số tập trung chủ yếu là dân lao động nghèo, phụ nữ chiếm tỉ lệ 70 %, trình độ học vấn còn hạn chế, do đó mối lo về tệ nạn xã hội cũng như công tác chăm lo ăn sinh xã hội cho phụ nữ trên địa bàn luôn làm tôi trăn trở. Trải qua 17 năm, làm công tác phụ nữ với nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em, bản thân tôi luôn quan tâm, sâu sát tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của từng đối tượng phụ nữ trên địa bàn phường. Từ đó, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền và tổ chức thực hiện các chính sách phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ và trẻ em nghèo góp phần ổn định trật tự, an ninh trên địa bàn phường. Tích cực vận động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng, học phí cho các em nghèo hiếu học. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước đến với các chị em phụ nữ. Ngoài ra bản thân tôi luôn rèn luyện cho mình một phong cách đúng đắn đó là tận tình, hướng dẫn giải quyết công việc đúng thời gian, lắng nghe những ý kiến đóng góp và giúp nhân dân giải quyết vấn đề mà người dân chưa thấu đáo.
Trong thời gian tôi làm giáo dục viên của quán cơm xã hội thuộc Hội LHPN Phường Cầu Ông Lãnh quản lý với sự tài trợ của các tổ chức Phi Chính Phủ: Áo, Anh, Thụy Sĩ. Trải qua 7 năm gắn bó, tôi cùng các giáo dục viên trong quán và Phường tiếp xúc gặp gỡ các trẻ em bỏ học tụ tập thức khuya quậy phá, bày những trò đùa rất nguy hiểm. Để để có tiền tiêu xài, các em phải tự kiếm sống như bán vé số và cá biệt có em còn bị người lớn dụ dỗ vào việc mua bán ma túy… qua đó đề xuất hướng giải quyết với Hội Phụ nữ phường như: trường hợp em Nguyễn Văn Đức sinh năm 1988 cư ngụ tại thành phố Cà Mau, cha mẹ ly hôn, em theo mẹ lên thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống, được khoảng mấy năm mẹ mất, cha có vợ khác, một mình em tự bươn chải để nuôi sống bản thân với tuổi đời rất trẻ (15 tuổi). Để mưu sinh hàng ngày, em trèo lên xe tải chở rau từ Đà Lạt đến chợ Cầu Muối, để lượm lặt từng mớ rau, cải bán kiếm sống qua ngày và có lần em bị rủ rê sử dụng bồ đà. Tôi gặp gỡ, tiếp cận em, rồi đưa em về cơ sở quán cơm xã hội để giáo dục và giúp đỡ em. Bản thân tôi đã dạy em học chữ và đề xuất em học nghề sửa xe Hon da. Hiện em đã về quê sống với cha ruột, lập gia đình và có 01 con trai, với nghề sửa xe Honda ổn định và còn nhiều trường hợp khác được học chữ, học nghề, được dạy kỹ năng sống, được giáo dục trở thành những công dân tốt.
Tuy nhiên đến năm 2001, các dự án phi chính phủ đã hết thời hạn tài trợ, đây là khó khăn lớn nhất của Hội Liên hiệp phụ nữ phường vì không có nguồn kinh phí để tiếp tục hoạt động. Với vai trò là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường, tôi luôn tranh thủ huy động các nguồn lực cùng với các đơn vị Mái ấm, cơ sở xã hội, suy nghĩ, tìm giải pháp để duy trì hoạt động của quán cơm vừa phục vụ cho người dân lao động nghèo, vừa giúp cho 40 trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa khi cha mẹ các em đi làm ăn xa ở với ông bà già yếu hoặc đang thi hành án tù hay đang cai nghiện. Ngoài việc chăm sóc trẻ em cơ nhỡ, tôi còn đề xuất quán cơm xã hội chăm sóc, giúp đỡ 60 cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và nơi khác đến: tôi tranh thủ các mạnh thường quân trên địa bàn hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm và phiếu ăn hàng ngày cho các cụ, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền viện phí hay an táng. Cho đến nay tôi vẫn tiếp tục duy trì tổ chức “Bữa ăn ngon người già” 2 lần/năm cho 50 cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trên địa bàn phường; vận động Trung Tâm Tương Lai hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 80 cụ. Quán cơm xã hội kết thúc vào năm 2003 do thực hiện chủ trương di dời dư án Đông Tây xây dựng đường hầm Thủ Thiêm, tôi cùng với giáo dục viên quán cơm giúp các em về với gia đình sau khi được học nghề trong đó có 25 em ở các tỉnh Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bến Tre…
Với đặc thù phường là dân lao động nghèo và dân tộc Hoa chiếm gần 20%, nên trình độ còn hạn chế, có khoảng 10% chưa biết đọc, biết viết. Nên năm 1995 tôi đề xuất Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tổ chức lớp phổ cập mù chữ cho 105 phụ nữ, trẻ em. Bàn thân tôi và 01 giáo viên hưu trí chia nhau đứng lớp. Sau thời gian phổ cập, tôi đề xuất UBND phường kiến nghị Phòng giáo dục Quận tổ chức thi hai học kỳ giống như các trường tiểu học, giới thiệu các em đủ tiêu chuẩn thi vào lớp 6 nhằm tạo điều kiện cho các em được tham gia học vào các trường bổ túc văn hóa trên địa bàn Quận. Đối với các chị phụ nữ tôi luôn quan tâm với đời sống của chị em, tổ chức các buổi thăm hỏi, động viên, sinh nhật, khen thưởng cho các chị có thành tích học tốt trong các kỳ thi, đề xuất hỗ trợ vay vốn.
Sau khi di dời chợ Cầu Muối lên 2 chợ đầu mối Tam Bình – Thủ Đức và Bình Điền nhiều gia đình không có việc làm và tình trạng trẻ bỏ học, lao động sớm với các nghề: bán vé số, vé dò, phụ bưng bê quán ăn …. Xuất phát từ tình hình đó, tôi đã đề xuất với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường tập hợp các đối tượng và ra mắt Câu lạc bộ “Các bà mẹ có con lao động sớm” với 20 thành viên. Bước đầu Hội cùng Tư pháp phường tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật “Quyền trẻ em”, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Phòng chống ma túy; tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng mạng lưới cộng đồng để bảo vệ trẻ em lao động sớm”, “Tác hại của trẻ em khi lao động sớm”, tập huấn về kỹ năng sống “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống buôn bán người, những tác hại khi trẻ lang thang kiếm sống”… tiếp theo Ban chấp hành Hội Phụ nữ tiếp cận, gặp gỡ nắm hoàn cảnh để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho trẻ như: trao tặng học bổng, dụng cụ học tập, đồng phục học sinh, giới thiệu học nghề việc làm cho các bà mẹ. Tổ chức nhiều chương trình chăm lo thiết thực vào các dịp lễ, tết và động viên các gia đình, thành viên và trẻ nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
Đứng trước thực trạng bạo lực gia đình thường xảy ra do mâu thuẫn vợ chồng, khó khăn về kinh tế, việc làm. …. Để hạn chế tình trạng trên, tôi tham mưu với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường, xây dựng mô hình “Can thiệp, phòng, chống bạo lực gia đình” góp phần hạn chế bạo lực gia đình tại địa phương. Qua thời gian hoạt động đã can thiệp, hòa giải thành 35 trường hợp, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng phải qua Tư pháp phường hay Tòa án. Điển hình là gia đình chị Võ Thị Phương cư ngụ tại 142 Bến Chương Dương, có 2 con, chị đi làm xa thỉnh thoảng mới về thăm, nhưng vơ chồng thường xuyên cải vả đôi khi bị chồng đánh, lối xóm không ai dám can thiệp, mỗi lần bị đánh chị Phương đều mang thương tích, tôi cùng một thành viên trong câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc, tìm hiểu nguyên nhân, phân tích vấn đề. Những lần tiếp xúc, trao đổi chồng chị Phương cam kết không đánh vợ nữa, tôi giới thiệu anh vay vốn xóa đói giảm nghèo để anh mua xe máy chạy Hon da ôm, giới thiệu việc làm cho chị Phương làm tạp vụ nhà hàng để tăng thu nhập, và còn nhiều gia đình đã được hòa giải, thuận hòa.
Thực hiện chủ trương của Thành phố, Quận và địa phương về việc chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự lòng lề đường, tôi đã suy nghĩ, tìm biện pháp hỗ trợ cho các chị em buôn bán lấn chiếm vĩa hè, chuyển đổi ngành nghề. Tôi đã cùng với Ban chấp hành Hội LHPN phường tiếp xúc các chị em buôn bán lòng lề đường để nắm tâm tư, nguyện vọng của chị em để có hướng đề xuất giải quyết. Bên cạnh đó, tôi mời gọi các nguồn lực từ các doanh nghiệp, công ty, khách sạn, công ty hỗ trợ việc làm cho chị em. Không quản ngại thời gian về giờ giấc, tôi thường xuyên tham dự các cuộc họp Chi, tổ hội và các tổ dân phố, các hội nghị nhân dân để lắng nghe chia sẽ cũng như sự giới thiệu của người dân về các cơ sở doanh nghiệp cần tuyển người lao động, tôi đến gặp họ và trau đổi về mục đích cũng như phương án hỗ trợ việc làm của Hội phụ nữ đối với chị em buôn bán vỉa hè. Tôi cũng tranh thủ Trung tâm Chuyên tâm, Trung tâm giới thiệu việc làm quận 1 tổ chức các buổi tư vấn việc làm và học nghề cho các chị em, thanh thiếu niên hiểu rõ và tìm việc làm phù hợp. Kết quả, đã giúp 45 chị chuyển đổi ngành nghề (trong đó có 25 chị làm tạp vụ tại các doanh nghiệp, công ty, 20 giúp việc gia đình). Đồng thời, để tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ khó khăn, sức khỏe hạn chế, phụ nữ khuyết tật, cùng với Ban chấp hành Phường hội kết nối và thành lập nhóm “Gia công túi giấy”, “Nhóm lột hành, tỏi”, nhằm giúp 27 chị em cải thiện đời sống gia đình tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, an tâm chuyển đổi ngành nghề, chấp hành chủ trương của Nhà nước góp phần xây dựng Thành phố văn minh đô thị.
Bên cạnh đó, mô hình “Nhóm dịch vụ gia đình” được thành lập từ năm 2016 đến nay đã giới thiệu 57 trường hợp phụ nữ giúp việc nhà bán thời gian, tạp vụ tại cơ quan doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, quán ăn, …. giới thiệu việc làm cho 85 chị, có việc làm ổn định với thu nhập từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng. Hỗ trợ 125 thanh thiếu niên chưa ngoan học nghề miễn phí như sửa hon da, nấu ăn, làm móng, làm bánh, nghiệp vụ nhà hàng, bếp trưởng nhà hàng, pha chế, trang điểm.
“Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”. Là cán bộ Hội, tôi luôn sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, mạnh dạn đề xuất, tham mưu với lãnh đạo cấp trên những chính sách và giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Ngoài ra bản thân luôn đầu tư, nghiên cứu sáng tạo trong công tác vận động hội viên phụ nữ và nhân dân với phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì nên làm, có hại cho dân thì nên tránh”, từ đó giữ mối liên hệ tốt với quần chúng nhân dân và được sự tín nhiệm của mọi người. Để việc “Học tập và làm theo Bác” được cụ thể và hiệu quả tôi xây dựng cho mình một phong cách làm việc “Lắng nghe – Chia sẽ – Trách nhiệm”, trong 6 tháng đầu năm 2018 tôi đã giải quyết được 07 trường hợp trẻ có cha hoặc mẹ là phạm nhân không có giấy khai sinh được đi học miễn phí (trong đó có 03 trẻ 4 tuổi được học nhà trẻ miễn phí, 04 trẻ không có điều kiện nuôi dưỡng vào mái ấm).
Không những thế, nhiều năm liền tôi đã hỗ trợ 75 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ thuộc con em đối tượng mãn hạn tù, hồi gia được làm khai sinh, giúp đỡ đưa trẻ vào các cơ sở mái ấm để được chăm sóc tốt, an toàn và được học hành thành đạt. Với mối quan hệ của bản thân cùng với các tổ chức xã hội: Dự án Tương Lai, Mái ấm Tre Xanh, Trung tâm Tương Lai. Tôi trực tiếp đến liên hệ Mái ấm Bình Minh quận 4, Mái ấm tre xanh, Hiệp hội hỗ trẻ em thiệt thòi 38 Tú Xương quận 3 nếu là trẻ từ 05 tuổi trở xuống để liên hệ và nắm vững những thủ tục và hướng dẫn gia đình gữi trẻ vào mái ấm. Đối với những trường hợp các em không có giấy khai sinh hoặc hộ khẩu thì bản thân tôi sẽ liên hệ đề xuất cơ sở nhận giấy xác nhận của Hội phụ nữ phường và đồng ý bảo lãnh cho trẻ như trường hợp cháu Phan Kim Yến sinh năm 2014 có mẹ thi hành án, sống với ông ngoại, tôi đã đến liên hệ với Hiệp hội bảo trợ trẻ em thiệt thòi quận 3 xin cho cháu Mỹ vào lớp Mầm Non nội trú. Với việc làm như thế trong nhiều năm qua tôi đã cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên chưa ngoan (02 trường hợp), Phụ nữ chậm tiến (03 trường hợp), quản lý, giúp đỡ 5 phụ nữ hồi gia trên địa dân cư.
Phát huy vai trò các loại hình tập hợp đa dạng, để cùng với Hội làm tốt công tác tuyên truyền, chăm lo tại địa phương điển hình như các câu lạc bộ “Nữ trí thức”, Câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, Câu lạc bộ “Hội mẹ truyền thống”, Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”, Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, Câu lạc bộ “Gia đình phòng chống tội phạm”….Từ đó, xuất hiện những gương điển hình tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng và góp phần đưa phong trào Hội LHPN phường nhiều năm liền đạt đơn vị xuất sắc và được đề xuất nhận bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng.
Bản thân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng; luật pháp, chính sách của Nhà nước và quy định của cơ quan, đơn vị. Gia đình được công nhận là gia đình văn hóa; Năm 2016 bản thân được mời tham gia Hội nghị phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực giao lưu gặp gỡ với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính Quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2017, được mời tham gia cùng chương trình “Hành trình về quê Bác” tại Lăng Bác và về thăm quê hương của Bác Hồ do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Năm 2018 được mời tham gia chương trình “Tôi người Việt Nam” với chủ đề “Người phụ nữ cả đời lo việc nước, việc làng” do Đài truyền VTV9 phát sóng. Năm 2018, chị vinh dự nhận được giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam” của Trung Ương Hội LHPN Việt Nam.