Câu 1: Vị trí pháp lý của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ?
Đáp: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước (Điều 69).
Câu 2: Theo Hiến pháp năm 2013, Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân như thế nào?
Đáp: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện (Điều 3.
Câu 3 : Theo Hiến pháp năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam có mối quan hệ như thế nào đối với Nhân dân?
Đáp: Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình (Khoản 2 Điều 4).
Câu 4 : Theo Hiến pháp năm 2013, Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng cách nào?
Đáp: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông quacác cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6) .
Câu 5 : Theo Hiến pháp năm 2013, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc nào?
Đáp: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo 02 nguyên tắc sau
1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân (Điều 7).
Câu 6 : Theo Hiến pháp năm 2013, Nhà nước được tổ chức và hoạt động như thế nào?
Đáp: Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ (Khoản 1, Điều 8) .
Câu 7 : Theo Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp nào ?
Đáp: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Khoản 2 Điều 14).
Câu 8 : Theo Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân được quy định như thế nào?
Đáp: Theo Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân được quy định như sau:
1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.
3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.
4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 15).
Câu 9 : Theo Hiến pháp năm 2013, vấn đề bình đẳng giới được quy định như thế nào?
Đáp: Hiến pháp năm 2013, vấn đề bình đẳng giới được quy định
1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới (Điều 26).
Câu 10 : Theo Hiến pháp năm 2013, quyền tự do kinh doanh của công dân được quy định như thế nào?
Đáp: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 33).