CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG – NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG, TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC SÁNG NGỜI CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những chiến sĩ lớp đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa

Sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước tại Cù lao Ông Hổ (An Giang). Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú, đầy gian lao, thử thách của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng mà đồng bào, đồng chí trìu mến gọi là Bác Tôn kính mến gắn liền với lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Trong những năm tháng tuổi trẻ bôn ba ở nước ngoài, hoạt động trong phong trào công nhân, công đoàn Pháp, đồng chí đã tham gia cuộc nổi dậy của Hải quân Pháp ở Biển Đen ngày 20/4/1919, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chống sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc đối với Nhà nước Xô-viết non trẻ, góp phần bảo vệ thành trì của cách mạng vô sản thế giới.

Năm 1920 trở về nước, đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập tổ chức Công hội nhằm tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền lợi giai cấp công nhân, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống lại sự áp bức, bóc lột của bọn đế quốc và bè lũ tay sai.

Năm 1926, đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Năm 1927, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ.

Năm 1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt và kết án 20 năm tù khổ sai. Gần 17 năm bị giam cầm trong nhà tù thực dân ở Khám Lớn Sài Gòn và Côn Đảo, phải chịu đủ cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, Đồng chí luôn giữ vững khí tiết kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, là một trong những người thành lập Hội những người tù đỏ và sáng lập chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo làm hạt nhân lãnh đạo, tạo sức mạnh chống chế độ lao tù tàn bạo, đấu tranh bảo vệ Đảng, biến lao tù thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, từ nhà tù Côn Đảo trở về, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được phân công tham gia Xứ ủy Nam Bộ và sau đó được Đảng, Nhà nước giao đảm nhiệm các trọng trách: Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội (tháng 3/1946), Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt, tháng 5/1946), Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tháng 11/1946), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 4/1947), Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc (tháng 01/1948), Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội (năm 1948).

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trình bày Báo cáo, xác định rõ các quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ công tác mặt trận trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường đoàn kết toàn dân, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng là hai mươi năm Bác Tôn được các tầng lớp nhân dân suy tôn làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng trong những năm đó, Bác Tôn còn đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới. Ngày 15/7/1960, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ảnh minh họa

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội (khóa III) ngày 15/9/1969, Bác Tôn được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, đồng thời vẫn kiêm làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian khổ và nguy hiểm, trong đó có 17 năm bị đầy đọa trong các nhà giam và ngục tù Côn Đảo với đủ mọi cực hình; 27 năm làm Chủ tịch Mặt trận và hơn 10 năm làm Chủ tịch nước, đồng chí Tôn Đức Thắng đã để lại cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận những bài học sâu sắc, những kinh nghiệm quý, nêu cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về chuẩn mực sống của một công dân yêu nước, tinh thần và biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hoạt động trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn quan tâm và chăm lo việc tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Góp phần quan trọng vào việc thu hút trí lực của toàn dân tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân mà hơn thế, trong quan hệ quốc tế với các nước anh em (các nước XHCN trước đây) đồng chí còn là cầu nối – được viết bằng chữ vàng – giữa Việt Nam và Liên Xô. Hơn bao giờ hết, bài học “đoàn kết, đại đoàn kết” mà Bác Hồ đã dạy toàn Đảng, toàn dân ta, mà Bác Tôn là một biểu tượng sinh động, cụ thể, đầy sức thuyết phục cần được ôn lại, nhắc lại.

Phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cộng sản gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phẩm chất cách mạng của người cộng sản với phong cách giai cấp công nhân Việt Nam.

Tuy giữ nhiều cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan trọng, nhưng đồng chí Tôn Đức Thắng, sống bình dị, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tuỵ phục vụ nhân dân. Mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị.

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng giữa lúc toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương Bác Tôn kính yêu; tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; bồi dưỡng lòng tự hào, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

NL.