Chị LÊ THỊ NGÀ, đóa hoa giữa đời thường

Có ai đó đã từng nói: “Thật đơn điệu biết bao nếu cuộc sống này thiếu hẳn những “bóng hồng” – những người phụ nữ. Họ vinh dự sở hữu cái đẹp thiên phú và cái đẹp ấy được sinh ra là để tô điểm cho đời”. Câu nói đó bỗng khiến tôi liên tưởng đến chị – người phụ nữ nhỏ bé, bình thường như bao người phụ nữ khác. Nhưng ẩn sau cái vóc dáng nhỏ bé ấy là sự rắn rỏi, nghị lực phi thường trong cuộc sống làm tôi cảm phục. Chị là hình ảnh của người phụ nữ đẹp theo đúng nghĩa: Tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang”. Chị là Lê Thị Ngà, hiện đang cư ngụ tại số nhà 12/7 Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM – là Phó Ban Bảo vệ Dân phố – Thành viên tổ Cán sự Xã hội – Chi Hội phó Chi Hội Phụ nữ Khu phố 6 phường Cầu Kho – Phó Chủ nhiệm CLB Phòng Chống Tệ nạn Xã hội phường Cầu Kho và là Phó chủ nhiệm hội phòng chống AIDS quận 1.

Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức tại thành phố Đà Lạt – thành phố của ngàn hoa. Năm 1985, chị rời quê hương vào lập nghiệp tại thành phố Sài Gòn – mảnh đất phồn hoa đô hội bậc nhất khi đó. Không lâu sau, chị trở thành bà chủ trẻ tuổi của một quán ăn có tiếng tại Sài Gòn và sau đó đã có một gia đình nhỏ bé với người chồng hiền lành, cần mẫn và hai cô con gái xinh đẹp, ngoan hiền. Những tưởng cuộc sống sẽ luôn hạnh phúc và con đường đó luôn rãi đầy hoa hồng dành cho người phụ nữ tài giỏi ấy. Nhưng cuộc sống này vốn dĩ là một bản nhạc với đủ nốt thăng, trầm… Một ngày cuối năm 1994, bất hạnh đã không may ập đến gia đình đó. Chồng chị sau một cơn bạo bệnh, đã bị tai biến mạch máu não liệt nửa người, khi cô con gái lớn chỉ mới ba tuổi và cháu thứ hai chưa tròn một tuổi. Kể từ lúc đó, mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai của chị, khi vừa lo cho chồng bệnh tật, vừa lo cho hai đứa con còn quá nhỏ. Quán cũng dẹp, đến cái nhẫn cưới cũng bán để lo thuốc thang cho chồng, cả gia đình chen chúc nhau trong cái gác xép mướn chỉ vỏn vẹn 3m vuông. Cái xóm bé bé tại khu vực chợ Nancy, hỏi đến là không ai không biết chị, khi mà trời chỉ vừa tờ mờ sáng là người ta lại thấy cái bóng dáng quen thuộc, đạp chiếc xe cà tàng chạy ra chợ Cầu Muối chở từng bịch rau củ quả về bán. Rồi cũng không ai quên được hình dáng người phụ nữ tất bật ngược xuôi, bán một tí lại gửi hàng nhờ người này, người nọ trông giúp để chị chạy vào nhà lo thuốc men cho chồng và đón con đi học về. Vất vả là thế, cơ cực là thế nhưng có một điều khiến bất cứ ai cũng phải cảm phục chị, vì với chị: “Dù nghèo đến mấy cũng phải cho con đi học, để sau này con mình có tương lai tươi sáng hơn, không phải vất vả như mẹ nó bây giờ”. Ông trời không phụ lòng người, hai cô con gái càng lớn càng thông minh, học giỏi, nhiều năm liền gặt hái thành tích cao như một niềm an ủi người phụ nữ ấy giữa cuộc sống vốn không êm ả này…..
Rồi vào giữa tháng 8 năm 2007, cuộc sống lại gãy thêm một nốt trầm lên bản nhạc cuộc đời chị, chồng chị sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, đã ra đi bỏ lại người vợ hiền và hai đứa con thơ. Cứ nghĩ sóng gió sẽ quật ngã người phụ nữ ấy, nhưng không, lau khô nước mắt, chị mạnh mẽ đứng lên, gánh vác luôn cả vai trò người làm cha, lo cho hai cô con gái còn đang tuổi ăn, tuổi học. Chị xin vào làm Bảo vệ Tổ dân phố, một cái nghề mà trước giờ chỉ dành cho cánh đàn ông, chị trở thành người nữ Bảo vệ Tổ dân phố duy nhất của phường Cầu Kho. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, bất kể mình là một người phụ nữ, chị vẫn hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ được giao và còn hoàn thành xuất sắc hơn nữa. Dù 1-2h sáng, người ta vẫn thấy bóng dáng người nữ Bảo vệ Tổ dân phố khu phố 6, phường Cầu Kho đi tuần tra khắp từng con đường, từng ngõ hẻm để giữ cho xóm làng sự bình yên. Bên cạnh đó, chị còn tham gia Tổ cán sự xã hội tình nguyện ở phường với nhiệm vụ quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai, tái hòa nhập cộng đồng. Một công việc khiến ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm khi phải tiếp xúc với những người nghiện ma túy, những người mang trong mình căn bệnh thế kỉ mà ngay chính bản thân họ cũng không còn niềm tin vào chính mình. Không ai dám tin một người phụ nữ yếu đuối như vậy lại sở hữu một sức mạnh tinh thần tựa sắt thép, khiến bất cứ ai cũng phải nể phục. Và bằng chứng là bộ sưu tập thành tích đồ sộ mà không phải ai cũng có thể đạt được: Năm 2009, chị được nhận giấy khen Hội Khuyến Học công nhận gia đình hiếu học cấp Thành phố. Năm 2010, chị nhận được bằng khen Thành phố vì đã có thành tích hoàn thành xuất sắc tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước của Thành phố. Năm 2011, chị tiếp tục nhận bằng khen Thành phố vì đã có thành tích nuôi dạy con học giỏi, thành đạt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Năm 2012, chị được nhận giấy khen của UBND Quận 1 vì đã có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh ……và còn rất nhiều, rất nhiều nữa. Ông Huỳnh Văn Riều (Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh quận 1) đã rất xúc động khi nói về chị: “Mặc dù gia đình khó khăn, chồng mất sớm nhưng cô Ngà có thể một mình nuôi hai cô con gái học đến nơi đến chốn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của khu phố 6 và phường Cầu Kho. Năm 2009, cô Ngà còn đạt được thành tích gương điển hình thi đua yêu nước năm năm liền của Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi và tất cả thành viên trong tổ rất khâm phục về đạo đức, lối sống tình nghĩa cũng như khả năng làm việc của cô Ngà”.
Không dừng lại ở đó, người phụ nữ ấy còn vượt xa sự bình thường của một người phụ nữ để đạt đến cái gọi là phi thường. Bằng tất cả tấm lòng bao la của một người mẹ, chị còn lo lắng cho những đứa trẻ không ruột rà, máu mủ trong xóm của mình. Khi nhìn thấy những đứa trẻ không cha, không mẹ, bỏ học, lang thang, quậy phá xóm làng bằng đủ thứ trò nghịch ngợm: bấm chuông nhà người ta, đốt lửa, hò hét, nghiện ngập, chị đã thao thức suy nghĩ: Mình phải làm gì đó trước khi đám trẻ này lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn bế tắc: ăn chơi, tệ nạn của mẹ, cha trước đây. Nghĩ là làm, chị đã gọi ba em nghịch nhất xóm đến thủ thỉ tâm sự, giao cho các em vai trò là “những thủ lĩnh đội bảo vệ Kim Đồng”. “Người lớn thì có tổ Bảo vệ Tổ dân phố, đội bảo vệ Kim Đồng của tụi con sẽ bảo vệ cho các bạn, các em nhỏ, có được không?”, câu hỏi giản dị ấy đã biến một đứa trẻ trở thành người lớn. Kể từ lúc đó, đội “Bảo vệ Kim Đồng” ra đời. Khi thấy chị Hà dọn dẹp chốt bảo vệ làm phòng dạy học, hàng xóm không tin tưởng, bởi “dạy ai thì được chứ dạy mấy đứa trẻ này sao nổi”. Thế nhưng, không vì thế mà chị bỏ cuộc. Và…học trò của chị đến lớp mỗi lúc một đông. Theo chị, những đứa trẻ hư vì thiếu thốn sự quan tâm, thương yêu từ cha mẹ nên sinh ra quậy phá. Chỉ cần một chút quan tâm của người xung quanh, đúng lúc, đúng chỗ là có thể giúp các em ngoan hơn.
Những buổi học, sinh hoạt của cả đội được chị tổ chức trên tinh thần tự nguyện, tự giác, hỗ trợ lẫn nhau. Theo đó, những thành viên lớn và có sức học khá hơn sẽ kèm những em nhỏ, mỗi người một việc. Các em còn tự tổ chức kế hoạch nhỏ, chia nhau thu gom ve chai, sách vở cũ để làm quỹ nhóm…Chị dạy các em đọc, luyện chữ, học các phép tính cơ bản, học nhiều từ tiếng Anh thường dùng hàng ngày, học năm điều Bác Hồ dạy, học quy tắc giao thông đi sao cho đúng và cả học về lẽ sống ở đời… Trên bốn bức tường chật hẹp của chốt bảo vệ, treo nhiều giấy khen từ các cuộc thi kể chuyện Bác Hồ; cuộc thi văn nghệ, hành trình khám phá bản thân; giải bóng đá thiếu nhi khu phố… của các em. Mới chỉ ba năm kể từ lúc chị lập ra đội Bảo vệ Kim Đồng, chặng đường phía trước còn rất dài, nhưng những gì chị mang đến cho lũ trẻ sống tại phường Cầu Kho thật đáng tự hào. Những đứa trẻ ở đây không còn thô ráp, quậy phá nữa, chúng ngoan hơn, biết nghe lời người lớn hơn, biết sống cho cộng đồng.

 MỸ PHƯỢNG