“Hành trình đến địa chỉ đỏ” trên địa bàn quận 1

Sáng ngày 01/02/2018, Hội LHPN Quận 1 tổ chức “Hành trình đến địa chỉ đỏ” trên địa bàn quận 1, nhằm ôn truyền thống, thăm các di tích và tri ân những anh hùng, liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã tham gia, hy sinh và đem lại thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

           Tham dự có đồng chí Phan Văn Lợi – đại diện Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1, đồng chí Lê Thị Tự – Quận ủy viên, chủ tịch Hội LHPN Quận 1, đồng chí Đỗ Thị Trúc Ly – Phó chủ tịch Hội LHPN Quận 1, cô Nguyễn Thị Hường – nguyên Bí thư, Chủ tịch phường Đa Kao, hiện là Chủ nhiệm CLB Hội mẹ truyền thống phường Đa Kao, cô Trần Thị Hồng Thắm – nguyên Phó Giám đốc Sở VHTDTT, hiện nay cô là Trưởng Ban Cựu tù chính trị – tù binh quận 1 và 40 chị là Thường trực, cán bộ Hội 15 cơ sở.
Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, Hội LHPN Quận 1 tổ chức Lễ khai mạc gồm các nội dung: văn nghệ, chiếu phim tài liệu kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968; phát biểu của nhân chứng lịch sử: cô Nguyễn Thị Hường phát biểu về tình hình chính sự lúc bấy giờ và nhiệm vụ được giao tham gia trong cuộc tổng tiến công, cô Trần Thị Hồng Thắm phát biểu về khí thế của công tác chuẩn bị và tiến hành cuộc tổng tiến công. Đồng chí Lê Thị Tự – Chủ tịch Hội LHPN Quận 1 đã tặng hoa và quà tri ân đến các nhân chứng lịch sử.

          Đoàn đến viếng, dâng hương, dâng hoa tại bia sự kiện trận tấn công Tòa đại sứ Mỹ tại số 4 Lê Duẩn, phường Bến Nghé; Bia tưởng niệm các chiến sĩ biệt động Sài Gòn – Gia Định tại 108 Nguyễn Du, phường Bến Thành; Bia sự kiện trận đánh tại khu vực Cầu Muối, số 83 Đề Thám, phường Cô Giang; Đình Nhơn Hòa số 27 – 29 Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, nơi thờ phượng các liệt sĩ hy sinh tại khu vực Cầu Muối trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công; Bia lưu niệm sự kiện nhân dân khu Xóm Chùa giành chính quyền năm Mậu thân 1968 ở số 214/9A Nguyễn Văn Nguyễn, Phường Tân Định và thăm, tặng quà 10 gia đình tham gia trận đánh Xuân Mậu Thân 1968 trên địa bàn Quận với tổng số tiền 5.000.000 đồng.

           Qua “Hành trình đến địa chỉ đỏ” đã giúp cho cán bộ Hội hiểu thêm về các di tích lịch sử, bia tưởng niệm; gặp gỡ, thăm hỏi, giao lưu các nhân chứng lịch sử trong cuộc Tổng tiến công để ôn lại truyền thống đấu tranh, giải phóng dân tộc của quân và dân ta, giáo dục truyền thống và khơi dậy tinh thần yêu nước trong thế hệ phụ nữ, nhất là tầng lớp nữ thanh.
Q.Thanh